Tiếng Việt English français

Search

Viet Nam

INTERNATIONAL

Services

Travel Video

Online Support

Hotline: + 84 (0)905.149.520

GM Travel

Skype Status GM Travel

INTERNATIONAL » GUIDE & TIPS

Laos information

LÀO

lao1.jpgPhía Bắc giáp với Myanma và Trung Quốc, phía Đông giáp Việt Nam, phía Nam giáp với Camphuchia và phía Tây giáp với đất nước Thái Lan, Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không có biển, chỉ có núi non và những cánh rừng xanh bạt ngàn bao quanh. Với diện tích 236.800 km2 và dân số chỉ 6 triệu người, Lào là nước có mật độ dân số khá thấp. Nền kinh tế còn nghèo chủ yếu dựa vào rừng và sông Mekong nhưng với sự nỗ lực của mình, đời sống nhân dân Lào đang ngày một đi lên. Còn được biết đến với những cái tên quen thuộc là “đất nước Triệu Voi” hay “xứ sở Champa”, đất nước Lào với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, yên bình và hiền hòa đang là điểm đến của rất nhiều du khách, đặc biệt là những người Việt Nam anh em.

Đến với Lào là đến với xứ sở của Phật giáo, nơi có tỉ lệ chùa so với dân (1400 ngôi chùa /6triệu người) cao nhất thế giới với tổng cộng 1.400 ngôi chùa. Chùa gắn với trường học, gắn cả với đời. Lào còn được coi là đất nước của những lễ hội quanh năm tháng nào cũng có. Lễ hội Lào là dịp vui chơi, múa hát, ăn diện và luôn gắn bó với chùa chiền. Xứ sở Champa cũng có nhiều điểm tham quan kỳ thú, hấp dẫn khách du lịch đặc biệt là với các Phật tử và những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo. Những chùa tháp, đền đài, những hang động kỳ bí, nhiều thác nước hùng vĩ, những đỉnh núi mây mù và nhiều cánh rừng nhiệt đới dày đặc. Cả đất nước Triệu Voi, cả xứ sở Champa hiền hòa quyến rũ luôn mở rộng vòng tay chờ đón bạn bè gần xa đến thăm và khám phá.

Viêng Chăn

lao2.jpgViêng Chăn nghĩa là thành phố Trăng, là thủ đô của Lào từ năm 1563. Nằm ở tả ngạn sông Mekong, phía tây bắc của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thủ đô Viêng Chăn có diện tích 3,920 km2 và số dân khoảng một triệu người. Là trung tâm văn hóa, thương mại, hành chính cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Viêng Chăn còn là một thành phố du lịch nổi tiếng và đó là một thế mạnh kinh tế của thành phố. Nơi đây tập trung rất nhiều những danh lam thắng cảnh, những ngôi chùa bề thế và cổ kính. Và là trung tâm của những lễ hội đặc sắc đặc trưng của văn hóa Lào.

 

Xieng khouang

lao3.jpgLà một tỉnh biên giới Đông Bắc của Lào, Xieng khouang tiếp giáp với tỉnh Nghệ An của Việt Nam ở phía Đông và với thủ đô Viêng Chăn về phía Tây Nam. Địa hình núi non trùng điệp, với độ cao từ 1.500 đến 2.000m do đó khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm. Đỉnh Phu Bia cao 2.820m so với mực nước biển là đỉnh núi cao nhất đất nước Lào. Thời chiến tranh đây là nơi chịu nhiều bom đạn và nóng bỏng nhất cả nước. Cánh đồng Chum là minh chứng rõ nét những của những gì mà chiến tranh để lại và ngày nay, đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

 

Sanvanakhet

lao4.jpgLà một điểm du lịch hấp dẫn ở Nam Lào, tỉnh Savanakhet giáp với Thái Lan ở phía Tây, và Việt Nam ở phía Đông tại địa phận tỉnh Quảng Trị. Thành phố tỉnh lỵ của Savanakhet là thành phố Savanakhet, còn được gọi là “thành phố thiên đường”. Với vị trí chiến lược thuộc hành lang kinh tế Đông Tây; cửa khẩu Mukdahan với cây cầu Hữu Nghị nối liền Thái Lan; cửa khẩu Lao Bảo qua đường 9 vào Việt Nam, Savanakhet luôn sầm uất với xe cộ qua lại, du khách, thương gia và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan. Thành phố này là trung tâm kinh tế lớn thứ hai của Lào chỉ sau thủ đô Viêng Chăn.

 

Luang Prabang

lao5.jpgLuang Prabang có nghĩa là Phật vàng lớn, thành phố cổ này đã từng là kinh đô của vương quốc Lạn Xạng (Vương quốc Triệu Voi) từ thế kỷ 14 đến năm 1946. Ngày nay, Luang Prabang nổi tiếng là điểm thu hút khách du lịch và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cố đô Luang Prabang nắm ở phía bắc miền trung Lào, bên sông Mekong, cách thủ đô Viêng Chăn 425km về phía bắc. Thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất hiền hòa và thân thiện này những cảnh đẹp tuyệt vời với những ngọn núi nên thơ; những thác nước xanh như ngọc; những bãi cạn, hồ nước trong vắt, mát lạnh…Cùng với những chùa chiền, cung điện, Luang Prabang quả là một điểm du lịch không thể bỏ qua.

Champasak

lao6.jpgLà tỉnh có diện tích lớn nhất của Lào, Champasak nằm ở phía tây nam, giáp biên giới Thái Lan và Campuchia. Đã từng là một lãnh địa hùng mạnh trong lưu vực hạ lưu sông Mekong, cố đô của vương quốc Champasak. Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đất đai màu mỡ thuận lợi phát triển nông nghiệp, Champasak được coi là vựa lúa lớn nhất của Lào. Với nhiều danh lam thắng cảnh, nổi tiếng với khu đền Wat Phou – di sản văn hóa thế giới, thác Khone Phapheng – thác nước lớn nhất Đông Nam Á, các đền đài cổ kính đậm màu sắc kiến trúc Angkor, Champasak còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn rất nhiều du khách.

 


VĂN HÓA LÀO

Nền văn hóa Lào có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan, đó là nền văn hóa Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào, ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên một dân tộc Lào rất riêng.

Đạo Phật tại Lào

lao7.jpgLào là xứ sở của Phật giáo tiểu thừa, 90% dân số theo đạo Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati vào thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Với dân số khoảng hơn 6 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới. Chùa gắn liền với trường học, gắn cả với đời, sư  sãi ăn uống bình thường như dân dã. Phật tử Lào thường tích đức bằng nhiều hoạt động gọi là Thiện Nghiệp. Vào những dịp lễ hội, Lào hấp dẫn khách du lịch và các Phật tử đến tham quan, tìm hiểu Phật giáo không kém gì xứ sở chùa vàng – đất nước láng giềng Thái Lan.

Tết Lào

lao8.jpgMỗi nước đều có ngày tết truyền thống theo phong tục của riêng mình. Và với Lào thì tết Lào là tết cổ truyền Bunpimay hay còn gọi là Tết té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Người dân té nước để cầu may, bình yên cho cả năm. Đầu tiên họ tưới nước lên các tượng Phật, sau đó còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa, rồi đến những người xung quanh. Họ còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Trong những ngày này, người dân còn xây tháp cát, phóng sinh, ăn món lạp, hái hoa tươi, buộc chỉ cổ tay. Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc.

Lễ hội Lào

lao9.jpgLào còn được coi là đất nước của những lễ hội, tháng nào trong năm cũng có. Lễ hội ở Lào hay còn được gọi là Bun, nghĩa là phước, làm Bun nghĩa là làm phước để được phước. Cũng giống như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm hai phần: phần lễ là phần nghi thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là vui chơi, giải trí. Các lễ hội lớn của Lào gồm Bun Pha Vet (Phật hóa thân) vào tháng 1; Bun Visakha Puya (lễ Phật đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa – (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ những người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10. Lễ hội tại Lào luôn gắn liền với chùa.

Trong ý nghĩ chúng ta, người Lào anh em rất gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Tiếp xúc nhiều, thực tế đó càng rõ hơn, người Lào và những thứ thuộc về họ rất tuyệt. Dưới đây là những điểm mà người Lào hơn hẳn với chúng ta, ít nhất là những gì mà ta nghĩ về họ

Sự lễ phép: Người Lào gặp nhau, người dưới chắp tay chào người trên; trẻ em chắp tay chào người lớn, không bao giờ họ lớn tiếng cãi nhau.

Sự thật thà: Người Lào rất thật thà, chất phát. Ngay cả trong buôn bán, hàng hóa bày ra, người mua chỉ việc chọn hàng rồi để lại một số tiền tương ứng. kể cả khi chủ cửa hàng không có mặt tại quầy.

Coi trọng danh dự: người Lào rất ít khi gây gỗ với nhau, ngay cả trong chợ cũng vậy. Không nên trêu chọc người thân, bạn gái hay vợ của người Lào, tránh những hành vi khiếm nhã.

 


ẨM THỰC LÀO

Mang phong cách tương tự các quốc gia láng giềng là Campuchia và Thái Lan: cay, chua và ngọt. Tuy nhiên, ẩm thực Lào lại có những nét đặc trưng rất riêng. Ngoài cá nước ngọt thì thịt heo, gà, trâu, và vịt là những thành phần quan trọng để nấu nướng nhiều món ăn thông thường. Người Lào ăn gạo là chính, các món ăn có đặc điểm là dùng các gia vị như gừng, me, lá chanh và đặc biệt là nhiều loại ớt khô rất cay. Ớt là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Lào và vị cay của nó đã trở thành một nét văn hóa. Người Lào cũng thích ăn nhiều rau, đó là những thứ bổ sung cho bữa ăn hằng ngày của họ và họ thường trồng rau ngay trong vườn.

Cơm lam

lao10.jpgCơm lam là loại cơm đặc trưng của người Lào và một số dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, và Tây Nguyên nước ta. Cơm lam được nấu từ gạo, là thực phẩm rất được người Lào trân trọng, đặc biệt là gạo nếp. Lấy gạo bỏ vào một chiếc ống nứa một đầu hở, sau đó dùng lá chuối bịt kín lại rồi đốt. Ống nứa dùng nấu cơm lam phải còn tươi, không quá non cũng không quá già để khi cơm chín, hạt cơm quyện thêm chút vị ngọt và mùi vị đặc trưng của tre. Cơm lam thường được dọn ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng nướng. Tuy nhiên, ngon nhất là khi ăn cùng với muối vừng. Cơm lam rất được người Lào ưa thích.

 

Lạp

lao11.jpgLạp tiếng Lào có nghĩa là may mắn, là món ăn truyền thống trong lễ hội của người Lào và cũng là món ăn dân tộc gần gũi nhất của họ. Được làm từ thịt động vật, thường là thịt bò, thịt hươu hoặc có thể là thịt trâu, cá. Thịt được bằm nhuyễn với rau bạc hà xắt nhỏ và nước cốt chanh, không dùng đường, vị chua cay. Người ta thường dùng Lạp chung với các loại rau như hung lủi, ngò gai. Lạp là món ăn đãi tiệc, thường được dọn ra trong những dịp đặc biệt hoặc cho những vị khách danh dự.

 

 

Món ăn từ côn trùng

lao12.jpgGiống như người Camphuchia và Thái Lan, người Lào cũng rất thích các món ăn được chế biến từ côn trùng. Từ dế cơm, trứng kiến, đến con cà cuống, nhền nhện trong các món chiên, xào, dồn đậu phộng đến hấp cơm hay ngâm giấm đều rất ngon. Cà cuống – một côn trùng có ích sống nhiều ở các đồng ruộng Campuchia được người Lào nhập về với giá rất đắt là côn trùng được ưa chuộng nhất với hương vị thơm cay. Các món ăn từ côn trùng rất giàu đạm, được người Lào chế biến đa dạng, hấp dẫn và lạ mắt cũng giống như chính mùi vị của nó vậy.

 


Các món nướng

lao13.jpgNgười Lào đặc biệt thích ăn các món nướng, tất cả những thực phẩm mà có thể nấu được bằng cách nướng thì họ đều sử dụng, từ thịt, cá đến cả rau củ và gia vị. Cơm lam cũng là một món được chế biến bằng hình thức này. Có rất nhiều cách nướng từ đưa trực tiếp thực phẩm lên lửa hay vùi trong than hồng đến nướng bằng lò nướng hay chảo điện. Nhưng người Lào vẫn thích nướng thực phẩm bằng cách cho vào ống nứa, ống vầu hay ống bương, để tạo mùi vị thơm ngon cũng như màu sắc đặc trưng rất riêng của xứ sở.

Những địa chỉ ăn uống, phong cách ẩm thực và giá cả là mối quan tâm lớn của du khách khi đi đến một vùng đất mới. Dưới đây là thông tin của một số nhà hàng tại các điểm du lịch nổi tiếng của Lào mà bạn có thể tham khảo.


CẨM NANG MUA SẮM

Mua sắm cũng là một phần không thê thiếu trong mỗi chuyến đi. Có thể xem mua sắm khi đi du lịch là một phần văn hóa của người Việt chúng ta, mua để làm đồ dùng, để kỷ niệm chuyến đi, để làm quà cho bạn bè và người thân. Bạn có thể tham khảo một số thông tin dưới đây để tích lũy thêm kinh nghiệm khi mua sắm tại Lào.

Viêng chăn

Lào là một điểm đến tuyệt vời cho những ai quan tâm đến hàng thủ công mỹ nghệ và đồ cổ, và Viêng Chăn là nơi tốt nhất để làm điều đó. Ngoài ra Viêng Chăn cũng là nơi nổi tiếng với các sản phẩm dệt may, đồ trang sức…

Chợ Sáng

lao14.jpgChợ Sáng là trung tâm thương mại lớn và nổi tiếng nhất tại Viêng Chăn. Mở cửa từ rất sớm, hàng hóa đa dạng phong phú, có cả hàng hóa từ Thái Lan và Việt Nam. Bạn có thể tìm thấy ở đây tất cả các mặt hàng có ở Viêng Chăn từ hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức, sản phẩm dệt may. Việc trao đổi mua bán cũng rất dễ dàng, chỉ cần ra hiệu bạn cũng sẽ mua được món hàng mình muốn, hơn thế nữa có đến 80% người bán hàng ở đây biết tiếng Việt. Cũng như ở Việt Nam, mua sắm ở các chợ của Lào nói chung bạn nên trả giá.

 

Phố Samsenthai, Panggkam và Setthathirat

Đây là những con đường tập trung rất nhiều các cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Với số lượng phong phú và chủng loại đa dạng, mang phong cách hiện đại lẫn truyền thống, làm bất ngờ tất cả những ai quan tâm đến những sản phẩm này. Samsenthai cũng là con đường có nhiều cửa hàng bán đồ trang sức, chủ yếu làm từ vàng và bạc, rất quyến rũ và lạ mắt.

Xieng khuang

Cũng giống như những trung tâm mua sắm ở những địa phương khác trong cả nước. Ở Xieng khuang, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy các khu chợ và cửa hàng buôn bán các mặt hàng nữ trang, đồ thủ công mỹ nghệ, vải lụa Lào…

Chinese Market

Chợ là một tòa nhà cao 2 tầng, nơi cung cấp các mặt hàng lưu niệm phong phú được làm từ nhựa và chất dẻo, tuy nhiên bạn cũng có thể tìm thấy các mặt hàng được làm từ vàng và bạc. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải lụa, nữ trang cũng được bày bán nơi đây.

Fresh Market

Fresh Market là nơi cung cấp những loại trái cây tươi nhập khẩu, hiếm có ở Lào. Đặc biệt, tại khu chợ này bạn sẽ tìm thấy những “cao lương” của vùng Xieng Khuang, đó là những hàng khô bao gồm món thịt nok aen dawng lên men và món nấm hét wái.

Savanakhet

Là trung tâm kinh tế lớn thứ 2 của Lào, Savanakhet là nơi có rất nhiều khu đô thị sầm uất, các khu chợ tấp nập người bán, người mua và du khách. Sản phẩm ở đây cũng phong phú đa dạng, nhiều mặt hàng nhập khẩu, miễn thuế với giá cả rất phải chăng.

Chợ Savanxay

Chỉ cách bến xe trung tâm khoảng 100 mét, chợ Savanxay là một địa điểm tham quan mua sắm rất thú vị và được nhiều du khách ghé thăm. Ngoài các mặt hàng thường thấy ở các chợ như thực phẩm tươi sống và thịt, khu ẩm thực của chợ cũng rất nổi tiếng với các món ăn ngon đặc sản Lào. Điểm thu hút du khách nhất của ngôi chợ này là các mặt hàng lưu niệm phong phú và đa dạng, các quầy hàng thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm tinh xảo và lạ mắt, các sản phẩm dệt may thổ cẩm, bông sợi với những hoa văn độc đáo truyền thống Lào.

Cửa hàng miễn thuế Dao Heuang

Là nơi cung cấp rất nhiều mặt hàng miễn thuế với giá cả hợp lý gồm các mặt hàng như socola, rượu, thuốc lá, xì gà Cu ba, cà phê, các sản phẩm điện gia dụng. Hàng thủ công mỹ nghệ, vải lụa và đồ trang sức cũng dễ dàng tìm thấy nơi đây.

Chợ Singapore

Gồm một tòa nhà 4 tầng, chợ Singapore là ngôi chợ lớn nhất Savanakhet. Hàng hóa ở đây chủ yếu được nhập từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam với chủ yếu là các thực phẩm tươi sống và vật dụng gia đình.

Luang prabang

Giống như Viêng Chăn, Luang Prabang cũng nổi tiếng với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nghệ thuật, dệt may và đồ trang sức

Chợ đêm Luang Prabang

lao15.jpgKhách du lịch tới Luang Prabang không chỉ háo hức muốn chiêm ngưỡng các chùa hay cố cung hoàng gia mà họ còn có một tò mò khác, đó là chợ đêm Luang Prabang. Phố đêm Luang Prabang cổ kính tĩnh lặng bao nhiêu thì chợ đêm Luang Prabang trái ngược hẳn, sôi động, náo nhiệt bấy nhiêu. Ngay từ 4 giờ chiều, hàng hóa đã được tập kết về từ khắp nơi. Tại đây du khách tha hồ chọn lựa các mặt hàng từ vải Lào, túi, áo, đồ bạc Lào trang sức, bạc lưu niệm đến tượng Phật bằng đồng hay tranh giấy, gỗ vẽ hình Phật, hình sư hành hương…Giá cả tại đây thường không ổn định và chuyện mặc cả, đắt, rẻ như là một phần vốn có tại chợ đêm này.

Kopnoi

Nằm trong Ban Apha, bên cạnh núi Phousi và con sông Nam Kham, Kopnoi nổi tiếng với các sản phẩm sản xuất thủ công từ nguyên liệu tự nhiên. Bao gồm quần áo, nữ trang, vải lụa, phụ kiện và hương liệu

Lisa Regale

Lisa Regale là một chuỗi các cửa hàng trải khắp từ Wat Khily đến gần Wat Xieng Thong, chuyên cung cấp các sản phẩm quần áo, vải vóc tơ lụa mang đậm phong cách truyền thống của Lào, và cả những sản phẩm kết hợp phong cách Châu Âu.

Champasak

Như tất cả các thành phố khác của Lào, các trung tâm thương mại chính của Champasak ngoài là nơi cung cấp các thực phẩm gia dụng còn là nơi bày bán những mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Lào như dệt lụa, đồ trang sức, và đồ cổ.

Chợ Sáng Paske

Cũng giống như chợ Sáng ở thủ đô Viêng Chăn, chợ ở Paske cũng được mở cửa từ rất sớm và là trung tâm thương mại, mua sắm chính của thành phố này. Chỉ cách trung tâm thành phố 200m, chợ sáng Paske cung cấp trái cây, rau quả và các thực phẩm gia đình. Chợ cũng tấp nập người bán người mua và du khách với các mặt hàng quần áo, đồ thủ công, đồ trang sức, gia dụng… Các quán ăn, cà phê phục vụ ăn uống cũng được tìm thấy nơi đây.

Dao Heuang (Chợ mới)

Nằm trên quốc lộ 13, gần cầu Nhật Bản bắc qua sông Mekong, chợ mới này là nơi cung cấp tất cả mọi thứ mà người dân và du khách có thể mua được tại Champasak. Chợ được tổ chức, phân chia theo từng khu vực rất vệ sinh cà dễ dàng cho khách hàng tìm kiếm mua sắm từ khu quần áo, khu hàng lưu niệm đến khu thực phẩm.

Quà lưu niệm

lao16.jpgNước Lào anh em gần gũi, đến Lào du lịch là một việc rất dễ dàng và thường xuyên của nhiều người và việc mua sắm ở đây cũng vậy. Hàng hóa lưu niệm đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Bạn nên đến các chợ và các cửa hàng miễn thuế, nhiều nhất là tại các cửa khẩu, giá cả ở đây rẻ hơn nhiều so với những chỗ khác và hàng hóa cũng phong phú đa dạng. Mua sắm tại các chợ, bạn nên trả giá vì giá cả không ổn định, mỗi người bán một giá. Bạn cũng phải để ý đến số lượng vì các cửa hàng miễn thuế thường chỉ cho một người mua một số lượng hàng hóa hạn chế, và cả những món đồ mà hải quan không cho mang về. Các hàng lưu niệm tại Lào mà bạn nên mua là đồ thủ công mỹ nghệ; khăn, quần áo thổ cẩm; đồ trang sức bằng đồng hoặc bạc.


THAM QUAN NƠI NÀO?

Du lịch Lào là du lịch văn hóa, đến với Lào là đến với đất nước của chùa tháp và lễ hội. Đất nước Lào xinh đẹp cũng không ít những thắng cảnh nổi tiếng, những vùng núi hoang sơ và các vùng quê thanh bình.

Viêng chăn

Những thắng cảnh nổi tiếng của Viêng Chăn tạo nên đặc trưng của du lịch Lào – du lịch văn hóa. Không có nơi nào ở thành phố thủ đô này hấp dẫn du khách bằng những ngôi chùa cổ kính, độc đáo và linh thiêng.

That Luang

lao17.jpgNhắc tới Lào là nhắc tới That Luang, bởi đơn giản ngôi chùa nổi tiếng này là biểu tượng quốc gia, được in trên tiền giấy và quốc huy của Lào. Chùa That Luang được xây dựng từ năm 1566 dưới triều vua Xệt-thả-thi-lạt theo mô hình một nậm rượu, trên phê tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ XIII, bên ngoài được dát vàng. Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Kiến trúc chùa tháp mang đậm phong cách văn hóa và bản sắc Lào. That Luang gồm tháp chính cao 45m, bao quanh là các tháp phụ, sơn son thếp vàng rực rỡ, uy nghiêm.

 

Chùa Phra Keo

lao18.jpgLà ngôi chùa quan trọng và nổi tiếng chỉ sau That Luang, Chùa Phra Keo được xây dựng năm 1565 bởi triều đại nhà vua Sai Setthathirat, trong chùa thờ tượng Phra Keo. Đã từng bị quân Xiêm xâm chiếm, cướp mất tượng Phra Keo vào năm 1779 và san phẳng toàn bộ ngôi chùa vào năm 1828. Từ 1936 đến 1942, người Lào đã bỏ công xây dựng lại chùa. Phra Keo ngày nay là một viện bảo tàng rộng lớn chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật đạo giáo Lào. Với những trang trí, điêu khắc, chạm trổ tinh tế; nhiều tượng Phật nổi tiếng bằng đá được đặc khắp nơi trong chùa; những tủ kính trưng bày nhiều đồ vật bằng vàng, bạc và ngọc thạch.


Wat Sisaket

lao19.jpgKhách du lịch tới thủ đô Viêng Chăn không thể bỏ qua chùa Wat Sisaket, nơi lưu giữ hơn 10 nghìn bức tượng Phật lớn nhỏ và là thư viện chứa nhiều sách cổ viết bằng tay trên lá cọ. Cùng với That Luang, Phra Keo, Wat Sisaket là một trong ba ngôi chùa cổ và nổi tiếng bậc nhất ở Lào, được xây dựng vào năm 1818 dưới triều vua Chao Anouvong theo mẫu kiến trúc Bangkok. Chùa có khuôn viên rộng lớn, mái chùa được lợp bằng những viên ngói đậm màu nâu đỏ, phảng phất rêu phong cổ kính, gợi lên trong lòng du khách những cảm xúc hoài cổ. Đây cũng là một ngôi chùa có rất nhiều góc chụp hình đẹp và ấn tượng.

 

Xieng khuang

Xieng Khuang và bí ẩn của cánh đồng chum là lí do mà du khách khắp nơi trên thế giới muốn một lần được đến đây để khám phá. Xieng Khuang còn hấp dẫn khách du lịch bốn phương bởi những cảnh quang hoang sơ, thiên nhiên trong lành, nguyên thủy.

Cánh đồng Chum

lao20.jpgCánh đồng chum là khu vực văn hóa lịch sử nổi tiếng mà bất kỳ một ai khi đến Lào cũng đều muốn ghé thăm. Nằm ở gần thành phố Khăm Muộn, trên cao nguyên Xiêng Khoảng, nơi đây có hàng ngàn chum bằng đá nằm rãi rác dọc theo cả cánh đồng. Các nhà khảo cổ tin rằng các chum này có niên đại 1500 đến 2000 năm, và xung quanh nó không ít những câu chuyện huyền thoại bí ẩn mà chưa một lời giải thích nào làm thỏa mãn những người tò mò. Một lý do nữa khiến cánh đồng chum trở nên nổi tiếng là nơi đây từng là chiến trường khốc liệt nhất trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của ba nước Đông Dương mà vết tích sót lại đến bây giờ cũng khiến không ít người ngỡ ngàng.


Mường Khăm

lao21.jpgLà quê hương của người Mông, thị xã Mường Khăm yên tĩnh nằm tiếp giáp với núi Phu Bia – là đỉnh núi cao nhất của Lào, nơi đây nổi tiếng có hai suối nướng khoáng nóng là Bò Nội (suối nhỏ) và Bò Nhày (suối lớn) nóng tới 60 độ C. Mường Khăm cũng nổi tiếng là nơi có nhiều hang động, thời chống Mỹ đây chính là những bệnh viện dã chiến, lớn và đẹp nhất là hang động Tham Piev. Nằm ở khá cao so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, Mường Khăm là một điểm đến lý tưởng hấp dẫn du khách bốn phương.

 


That Foun

lao22.jpgĐến Xiêng Khoảng du khách không nên bỏ lỡ cơ hội đến thăm tháp That Foun. Nằm ở huyện Muang Khoun, nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, That Foun cao 30m và được xây dựng từ năm 1576, là nơi chôn cất hài cốt của các Đức Phật được mang đến từ Ấn Độ. Nơi đây chứa đựng những huyền thoại ly kì về Đức Phật, tương truyền có một tên cướp từ Trung Quốc đã khoét một cái lỗ ở thân tháp để đoạt bức tượng Phật bằng vàng bên trong. Vết tích đó đã tạo nên đặc trưng riêng của tháp, thu hút nhiều khách và Phật tử đến tham quan và hành hương.

 

Savanakhet

Được ví như là Sài Gòn của Việt Nam, vì sự phát triển và tầm ảnh hưởng của nền kinh tế, Savanakhet cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn với những địa danh lịch sử nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua.

That Ing Hang Stupa

­lao23.jpgNằm cách trung tâm Savanakhet 15km theo hướng Đông Bắc, được xem là điểm hành hương thứ 2 sau Wat Phu – Champasak tại miền Nam nước Lào. Tháp Ing Hang được trùng tu, mở rộng thành một quần thể bề thế vào năm 1548, cùng thời điểm với That Luang. Mỗi năm đều có một lễ hội được tổ chức rầm rộ suốt 3 ngày trăng tròn tháng Giêng lịch Lào. That Ing Hang là một thắng cảnh, một địa điểm du lich nổi tiếng, hằng ngày có rất nhiều du khách hành hương về đây. Tại đây du khách có thể xem xăm, được nhà sư tụng kinh và cột chỉ cầu phúc may mắn và chúc phúc cho hành trình của mình.

 


Đền Wat Xayaphoum

lao24.jpgỞ Savanakhet không có nhiều thắng tích lừng danh như ở thủ đô Viêng Chăn hay cố đô Luang Prabang nhưng Wat Xayaphoum là một ngoại lệ. Ngôi chùa cổ nguy nga này nằm trong lòng thủ phủ Savanakhet, ven dòng sông nổi tiếng Mekong. Được sung tạo từ năm 1542, với một tăng đoàn hơn 200 vị, Wat Xayaphoum nổi danh khắp xứ là trường Phật học Phạn ngữ đào tạo tăng sĩ đệ nhị cấp. Ngày nay nơi đây trở thành một cảnh quan du lịch nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi đến Savanakhet cũng đều muốn ghé thăm.

 


Nhà đá Heuan Hinh

lao25.jpgMột di tích cổ vật có giá trị và hiếm hoi nhất của đất nước Lào, cách Savanakhet 65km xuôi theo hướng nam. Heuan Hinh là một ngôi nhà hoàn toàn được dựng bằng đá nguyên khối sắp chồng lên nhau chẳng khác gì kiến trúc của một ngôi chùa. Nhà đá Heuan Hinh được tạo dựng từ năm 553 trước công nguyên, theo kiến trúc Chàm hay tiền Angkor. Mặc dù nằm ở một vùng đất xa xôi hẻo lánh, nhưng không phải vì thế mà nơi đây không thu hút du khách viếng thăm. Heuan Hinh hấp dẫn khách du khách bốn phương, những người thích khám phá, tìm hiểu thiên nhiên.

 

Bảo tàng Dinosaur

lao26.jpgVốn là ngôi biệt thự thời Pháp thuộc, bảo tàng Dinosaur là nơi chưng bày vũ khí và những hình ảnh vang bóng một thời oanh liệt chống Mỹ cứu nước của Pathet Lào. Vào năm 1936, nhà địa dư học người Pháp, Jousé Heilman Hoffet đã phát hiện ra bộ xương của một giống khủng long (Dinosaur), dài 15 thước và có tới 90 triệu năm tuổi trong địa phận bản Tang Vay, mương PhaLan thuộc Savanakhet. Là nơi còn lưu giữ trọn bộ xương khủng long này, bảo tàng Dinosaur nổi tiếng thu hút nhiều du khách khắp nơi trên thế giới viếng thăm.

 


Luang Prabang

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cố đô Luang Prabang thanh bình, gần gũi và thân thiện mà đối với mỗi người dân Lào, dù ở đâu cũng ao ước một lần được đặt chân đến.


Đền Wat Xieng Thống

lao27.jpgTọa lạc gần ngã ba sông Mekong và dòng Nậm Khan, Wat Xien Thống là ngôi chùa đẹp nhất, cổ nhất và quan trọng nhất trong số 65 ngôi chùa lớn ở Luang Prabang. Lối kiến trúc đặc thù Lào với mái cong vút kéo dài xuống gần mặt đất, nội thất là những phù điêu, điêu khắc tinh xảo dựa theo Phật tích. Nơi đây có rất nhiều bức tượng Phật lớn, là nơi hành lễ của hoàng gia và các chức sắc Phật giáo. Trưa nắng yên bình, gió từ sông Mekong thổi về mát rượi từng cơn. Từ trên chùa, du khách tha hồ phóng tầm mắt bao quát cả cố đô thơ mộng, chìm trong màu xanh của cây lá.

 

Bảo tàng Royal Palace

lao28.jpgViện bảo tàng quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, vốn chính là Hoàng cung Vương quốc Lào thuở xa xưa. Mang dấu ấn kiến trúc Pháp hiện đại và tinh tế, bảo tàng Royal Palace là nơi lưu giữ bức tượng Phật Prabang, được coi như báu vật trấn quốc. Cảnh quan tươi đẹp với hai hàng cây thốt nốt cao vút tuyệt đẹp dẫn lối vào; khu vườn Thượng uyển xinh xắn với những cây lạ, hoa quý, hồ nước long lanh, chim lượn vòng, bướm dập dờn…Phía bên phải là tượng vua Sisavang Vong bằng đồng uy nghi trầm mặc; bên trái là mái chùa lộng lẫy, thềm lót đá cẩm thạch trắng, mát lạnh giữa nắng trưa.

 

Đền Wat Wisunarat

lao29.jpgMột trong những ngôi chùa cổ nhất ở Luang Prabang, nằm trong danh sách di sản văn hóa thế giới. Wat Wisunarat được xây dựng vào năm 1513, được trùng tu và xây dựng lại vào khoảng những năm 1896 – 18898. Nằm trên con đường mang tên chính ngôi chùa trong trung tâm thành phố, Wat Wisunarat có một khuôn viên rộng lớn, xanh cỏ, hai mặt giáp phố chính. Trước chùa là một mộ tháp uy nghi  cao tới 34,5m Tha Pathum được xây dựng từ 1503. Chùa có kiến trúc đơn giản, không qua cầu kỳ ngoại trừ mái tôn có nhiều chi tiết trang trí tạo cho Wat Wisunarat một vẻ đẹp giản dị và bình thản.

 

Champasak

Nằm ở vị trí chiến lược kinh tế, có một lịch sử hùng mạnh, Champasak không có lí do gì để không trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Và thực tế là ở đây vừa có những kỳ quan được tạo nên từ lịch sử, vừa có những danh lam thắng cảnh được tạo hóa ban tặng

Pakse

lao30.jpgLà cố đô của Vương quốc Champasak, thị xã Pakse ngày nay là thủ phủ của tỉnh Champasak đồng thời là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của cả 4 tỉnh Nam Lào. Với vị trí thuận lợi, Paske là đầu mối giao thông từ Thái Lan, Campuchia, từ Trung Lào xuống và đi sang phía Đông. Đến Paske, du khách có thể bách bộ dọc các con đường trong thành phố để khám phá nhiều thứ. Các ngôi chùa có kiến trúc mái uốn lượn, một màu thếp vàng rực rỡ dưới ánh nắng. Mỗi buổi sáng, các tăng sĩ xếp hàng dài đi khất thực dọc các con đường chính.




Wat Phu

lao31.jpgCông trình văn hóa tiêu biểu nhất của Champasak là ngôi đền thiêng kỳ vĩ Wat Phu – Di sản văn hóa thế giới. Cách Pakse khoảng 40km về phía Nam, dọc theo bờ sông Mekong, Wat Phu là một quần thể đài bằng đá và là một kỳ công kiến trúc, được xây dựng qua nhiều thế kỷ và từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13 đây được xem là một trong những đền thiêng nhất của các vương triều xưa trên vùng đất này. Wat Phu mang phong cách kiến trúc Hindu giáo, thờ thần Shiva và lối kiến trúc này được xem là gần gũi với Di sản văn hóa thế giới Angkor Wat của nước láng giềng Campuchia.



Thác Khone Phapheng

lao32.jpgMột viên ngọc quý nữa của Chamasak. Được mệnh danh là Niagara của Châu Á, Thác Khone Phapheng lớn nhất vùng Đông Nam Á, có chiều dài 12km và luôn luôn có một lượng nước khổng lồ chứa đầy phù sa chảy qua trên một bề mặt rộng lớn nhiều mỏm đá lởm chởm khi chảy xuống. Khone Phapheng còn thu hút du khách bởi đây là nơi duy nhất ở Đông Nam Á mà người ta có thể chiêm ngưỡng những con cá heo mỏ. Đến đây, du khách có thể ngồi nhìn người dân địa phương bắt cá, hoặc thuê xuồng đi đánh cá heo nước ngọt giỡn sóng hay thả mình tự do trên những phiến đá ven bờ lắng nghe tiếng thác đổ rầm rầm vang ngân.

Pages

About Us

Contact Information

GM TRAVEL

Address: 74A Hung Vuong St. - Nha Trang City - Khánh Hòa Pro.

Phone: + 84 (258). 3.526.245 - 3.526766

Fax: + 84 (258).3.526.249

Email: info@gmtravels.com

Website: http://www.gmtravels.com

Malaysia Tours  | Cambodia Tours  | Singapore Tours  | HongKong - Makao Tours  | Japan Tours  | Thailand Tours  | Korea Tours  | China Tours  | Australia Tours  | Taiwan - China Tours  | LAOS TOURS  | ADVENTURE TOUR  | RELAXING & ECO TOUR  | TOUR GHÉP ĐOÀN  | HONEY MOON TOUR  | MICE & SPECIAL EVENT  | TEAMBUILDING EVENT  | REQUEST TOUR  | NHA TRANG TOUR  | DALAT TOUR  | CENTRAL HIGHLAND TOUR  | NORTH TOUR  | CENTRAL TOUR  | SOUTH TOUR  | VIETNAM CROSS TOUR  | VIETNAM WAR VETERAN TOURS  | GOLF PACKAGE TOUR