Cùng với với hoa anh đào, áo Kimono thì những đôi guốc gỗ Geta đã trở thành một phần cuộc sống không thể thiếu của xứ sở mặt trời mọc. Những cửa hàng bán guốc gỗ luôn đông khách, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới đều rất ưa chuộng loại guốc truyền thống này.
Từ những bức ảnh tư liệu ghi lại từ thế kỷ 18, guốc gỗ truyền thống của Nhật Bản đã trở nên thịnh hành ở thành phố Edo mà nay là thủ đô Tokyo của Nhật Bản, không những thế, công nghệ làm nên những loại guốc gỗ này đã được ghi chép lại rất tỉ mỉ. Guốc gỗ Geta ngày càng trở nên cầu kỳ, không chỉ là những đôi guốc gỗ bình thường mà còn là guốc Geta sơn mài.
Gia đình ông Tsustui Yasutori đã có lịch sử gần 120 năm làm guốc gỗ, tại cửa hàng có hơn 50 phong cách Geta khác nhau. Những chiếc Geta được làm hoàn toàn bằng tay rất tỷ mỷ và kỳ công. Guốc Geta có một miếng đế bằng gỗ hình chữ nhật với hai miếng gỗ đỡ bên dưới và một cái quai ở bên trên.Từ những loại gỗ tốt nhất và vải bạt thượng hạng, Geta nổi tiếng có độ bền chắc và hoàn hảo.
Đặc biệt trên mặt guốc có nổi lên những thớ gỗ giúp kích thích huyệt đạo rất tốt cho sức khoẻ. Hoa văn trang trí trên quai guốc luôn nổi bật và khắc hoạ rõ nét bản sắc đặc trưng của con người Nhật Bản. Ngày nay, vẻ đẹp giản đơn và tinh tế của những chiếc guốc Geta đã thực sự đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật. Không chỉ đơn thuần là kết hợp với áo Kimono truyền thống, nó còn được biến tấu thành những chiếc guốc thời trang rất trẻ trung và hiện đại. Geta dễ dàng phối kết với các loại thời trang khác, rất đẹp và tương đồng.
Những chiếc áo Kimono là biểu tượng của đất nước Nhật Bản, nhưng sẽ không hoàn hảo nếu thiếu đôi guốc gỗ Geta. Nghề làm guốc gỗ Geta đã trở thành một ngành nghề truyền thống riêng có của xứ sở mặt trời mọc. Dù là kiểu cổ xưa hay kiểu mới lạ, guốc gỗ Geta phản ánh những quan điểm về văn hóa giày dép không hề bị thay đổi tại Nhật Bản.
(Nguồn: VTV)